CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG MÙA CORONA NHƯ THẾ NÀO?

Huynh Gia
Th 5 19/03/2020

Để hiểu rõ hơn về chức năng của hệ miễn dịch, tại sao hệ miễn dịch lại giúp cơ thể phòng chống virut Corona thì chúng ta cần biết hệ miễn dịch là gì.

  1. Hệ miễn dịch là gì?

    Hệ miễn dịch được xem như là một hệ thống “bức tường” với nhiều cấu trúc giúp cơ thể chống lại được bệnh tật. Một hệ miễn dịch được xem là một hệ miễn dịch tốt khi nó nhận biết được các mầm móng gây bệnh  từ virut đến ký sinh trùng có hại để cơ thể “phòng thủ” và tiêu diệt chúng.

    Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể tăng sức đề kháng tốt, chống bệnh tật và phòng chống được virut Corona.

    Để nâng cao hệ miễn dịch ngoài việc thực hiện một thói quen sinh hoạt lành mạnh thì việc bổ sung một dinh dưỡng tốt cũng là yếu tố then chốt cần được chú trọng.

  2. Dinh dưỡng nâng cao hệ miễn dịch chống Corona

    Ăn đủ bữa và sắp xếp các bữa ăn hợp lí hằng ngày

    Cần ăn đủ 3 bữa ăn (buổi sáng, buổi trưa, buổi tối) và bổ sung những bữa phụ khác  trong ngày vào những thời điểm hợp lí để đảm bảo cung cấp năng lượng cho cơ thể.

    Người Việt Nam có thói quen bỏ bữa sáng hay ăn qua loa vào buổi sáng (như bún, bánh mì, xôi...), đây là thói quen không tốt cho sức khỏe cơ thể. Theo một số nghiên cứu, bữa sáng được xem là một bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nếu ăn một bữa sáng đủ và lớn thì đó sẽ yếu tố góp 40-60 % năng lượng cho cơ thể dành cho một ngày hoạt động hiệu quả. Các cá nhân không ăn sáng thường xuyên sẽ không đủ hàm lượng dinh dưỡng hằng ngày, khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh. Nên ăn sáng sau khi thức dậy khoảng 30 phút, thời điểm ăn sáng thích hợp nhất vào lúc 7h đến 8h30, hạn chế ăn sáng sau 10h.

    Buổi ăn trưa nên cách bữa sáng 4 tiếng đồng hồ, không  ăn trưa sau 4 giờ chiều. Cần duy trì bữa ăn trưa kéo dài tối thiểu trong 30 phút, từ lúc cầm đũa cho đến lúc kết thúc bữa ăn. Nên ăn chậm nhai kỹ và cẩn thận, đây là cách bảo vệ dạ dày, hệ tiêu hóa, duy trì chức năng hấp thụ dinh dưỡng tối ưu và tốt cho sức khỏe.

    Ăn tối đúng cách là không nhịn ăn tối, đây là bữa ăn giúp cơ thể bồi dưỡng năng lượng, khôi phục và tái tạo hoạt động cho các tế bào. Nên lưu ý, cần phải ăn tối cách giờ đi ngủ 3 tiếng và không ăn quá no, thời gian ăn tối tốt nhất trong khoảng từ 18h đến 21h. Cần  xây dựng bữa ăn tối một cách nhẹ nhàng với các nguyên liệu lành mạnh tốt cho sức khỏe.

    Bên cạnh thực hiện đầy đủ 3 bữa chính, cần thêm các bữa phụ giữa giờ với sản phẩm lành mạnh như sữa chua, trái cây, các loại hạt dinh dưỡng (hạt điều, hạt hạnh nhân,...) 

    Cân bằng dinh dưỡng cho các bữa ăn

    Một cơ thể khỏe mạnh, phòng nhiễm dịch corona không chỉ là ăn đủ bữa mà còn phải chú trọng đảm bảo lượng dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ cho bản thân mỗi con người chúng ta.

    Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ là một bữa ăn bao gồm đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng : bột đường (hay còn gọi là tinh bột), chất đạm (protein), chất béo, vitamin và các khoáng chất thiết yếu.

    Chất bột đường :đây là nguồn cung cấp năng lượng hoạt động chủ yếu cho cơ thể mà không có chất nào có khả năng thay thế được vai trò của nó. Nên lựa chọn lương thực cung cấp tinh bột tốt cho cơ thể như gạo lứt, gạo nâu, các loại củ quả chứa tinh bột (khoai lang, bắp, ...)

    Protein: một chế độ ăn đủ đạm có vai trò quan trọng để xây dựng nên cơ thể phát triển, tăng cường hệ miễn dịch có khả năng chống lại các loại bệnh tật. Protein chính là chất xúc tác, giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thức ăn hấp thụ vào cơ thể. Chất đạm còn cung cấp nguyên liệu tổng hợp các tế bào bạch cầu và kháng thể được ví như những binh lính trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn và vi rút xâm nhập cơ thể. Nên cân bằng protein thực vật (các loại đậu/ đỗ...) và protein từ động vật (thịt, trứng, cá, sữa,...) để tổng hợp được lượng protein cần thiết cho cơ thể.

    Chất béo:cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A, D, E, K có trong mỡ động vật và dầu thực vật. Khuyến khích lựa chọn các loại dầu thực vật chứa chất béo chưa bão hòa như dầu hạt hướng dương, dầu oliu, dầu hạt cải,... Ưu tiên lựa chọn mỡ từ gia cầm và cá vì có nhiều chất béo chưa bão hòa và chứa omega3, omega6, omega9 tốt cho sức khỏe. Đặc biệt omega3 và vitamin A đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch chống lại các bệnh về hô hấp.

    Vitamin và các khoáng chất: (các loại rau, củ, quả...) cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Nên lựa chọn các sản phẩm rau lá màu sẫm và quả màu vàng, vì chúng chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe. Bổ sung  đầy đủ vitamin A, vitamin C, vitamin D, kẽm (Zn), và Selenium (Se). Đây là các chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể trong giai đoạn dịch viêm phổi cấp do virus Corona.

    Uống nước đúng cách giúp bảo vệ sức khỏe

    Nên sử dụng nước sạch, nước sôi để nguội cung cấp cho cơ thể, tránh tình trạng cơ thể “lên tiếng” vì khát mới uống nước. Cần uống đủ 1.5 đến 2 lít nước mỗi ngày, uống nước thường xuyên sẽ giúp các tế bào trong cơ thể đào thải các chất độc và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.

    Không sử dụng nước ngọt, cafe, nước uống có ga ... để thay thế.

    Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh

    Luôn lựa chọn các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế thức ăn dầu mỡ/ thức ăn nhanh,  hạn chế đi ăn hàng quán, ngủ đủ 7 tiếng/ ngày, tập thể dục thường xuyên.
  3. Một số gợi ý thực phẩm tăng hệ miễn dịch

    Các gia vị có tính kháng sinh tự nhiên, kháng khuẩn tốt và tăng cường đề kháng như tỏi, gừng, nghệ, rau kinh giới,...

    Các thực phẩm giàu Vitamin A và Caroten (trái cây chín màu vàng, cam, đu đủ, gan): vitamin A cần thiết cho việc duy trì toàn vẹn niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa giúp tạo thành hàng rào ngăn sự xâm nhập của virut, vi khuẩn.

    Các thực phẩm giàu vitamin C (cam, quít, dứa, kiwi, các thực phẩm rau lá màu xanh... ) giúp nâng cao miễn dịch, giảm triệu chứng viêm.

    Các thực phẩm giàu Vitamin D (gan cá, trứng gà hoặc ngũ cốc có bổ sung vitamin D) có vai trò trong việc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể.

    Các thực phẩm giàu kẽm Zn (thịt, hải sản): Kẽm cần thiết cho hoạt động của các tế bào miễn dịch, bao gồm bạch cầu. Các thực phẩm giàu Seleninum (tôm, nấm, trứng, đậu đỗ): Selenium giúp nâng cao miễn dịch, phòng ngừa lão hóa.

    Các hạt dinh dưỡng giàu Vitamin E (hạt điều Fami Nuts , hạt hạnh nhân, ...) đây là chất chống oxy hóa mạnh, giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp, hỗ trợ hoạt động  miễn dịch và kháng thể của cơ thể.  Có thể tham khảo về các dưỡng chất trong hạt dinh dưỡng tại đây 

    Sữa chua: có tác dụng chống lại các vi trùng gây bệnh hạn chế nhiều bệnh tấn công cơ thể. Sữa chua còn chứa nhiều khoáng chất như magiê, kẽm và selen khi bổ sung vào cơ thể sẽ giúp hệ thống miễn dịch được tăng cường nên cơ thể cũng khó bị tấn công bởi bởi virut. Một ngày chúng ta cần ăn 1-2 hũ là đủ nhận được các lợi ích của sữa chua, tránh tình trạng lạm dụng sữa chua quá nhiều.

    Hãy để lại bình luận nếu bạn thắc mắc và cần Fami Nuts giải đáp các vấn đề trong bài viết này nhé!


Bài viết tham khảo thông tin từ: KHOA DINH DƯỠNG TIẾT CHẾ BỆNH VIỆN PHỔI TRUNG ƯƠNG,“HƯỚNG DẪN DINH DƯỠNG HỖ TRỢ DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ VIÊM PHỔI CẤP DO VIRUS CORONA (Covid-19)” .